Luật Quảng cáo quy định phải có một trong những loại giấy tờ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Luật Xây dựng lại quy định, khi xin phép xây dựng bảng quảng cáo phải có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Luật Đất đai 2013 quy định đất phải được sử dụng đúng mục đích; phải xin phép Nhà nước khi “chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ” (Điểm d, Điểm g, Khoản 1, Điều 57). Trong khi đó, các công trình quảng cáo là công trình nhỏ, đơn lẻ; hầu hết đều dựng trên đất nông nghiệp, đất công cộng, chỉ mang tính chất tạm thời, mỗi bảng lớn cũng chỉ sử dụng vài chục m2 đất làm móng trên phần diện tích hàng trăm thậm chí hàng nghìn m2 đất của chủ hộ nên nếu mỗi bảng phải làm các thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định như các công trình lớn, dài hạn khác thì rất khó khăn và càng phức tạp hơn khi hết hạn thuê đất hoặc thay đổi quy hoạch lại phải chuyển đổi lại mục đích sử dụng về đất nông nghiệp, khó khả thi.
Tôi nói như vậy để hiểu rằng, hiện nay, đang có tình trạng các luật chồng chéo nhau, mâu thuẫn với nhau và nếu làm đúng, chiếu theo các quy định của Luật Quảng cáo, Luật Xây dựng và Luật Đất đai thì hầu hết các công trình quảng cáo đang vi phạm.
Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phải làm chui, phải bôi trơn.
Do đó, theo tôi, để tạo điều kiện chodoanh nghiệp hoạt động, tránh hiện tượng thủ tục càng phức tạp thì càng kéo theo nhiều loại phí không tên, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hồ sơ, quy trình tiếp nhận và trả lời “thông báo sản phẩm quảng cáo” và yêu cầu các địa phương áp dụng thống nhất, không được tùy tiện đặt thêm những quy định khác.